Tổng kết công tác quản lý nhà nước ngành Thông tin Truyền thông năm 2016

Ngày: 24/12/2016 Lượt xem:3358

Ngày 23/12/2016, Bộ Thông tin Truyền thông đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2016.

Tới dự Hội nghị có ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Quốc hội; đại diện một số Ban, Bộ, Ngành và các Sở TT&TT.



Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh: TTTT) 

Về phía Bộ TT&TT có ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TT&TT; các Thứ trưởng Bộ TT&TT, các ông nguyên là Bộ trưởng Bộ BCVT, Bộ TT&TT qua các thời kỳ, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành TT&TT. Đoàn đại biểu của VNPT dự hội nghị có các thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn, Tổng Giám đốc các Tổng Công ty: VNPT Net, Vinaphone, Media. 

Năm 2016 là năm diễn ra nhiều hoạt động lớn của đất nước; năm tiến hành Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; năm mở đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Tình hình chính trị, an ninh, quốc phòng và kinh tế của đất nước tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Công tác quản lý nhà nước của ngành Thông tin Truyền thông tiếp tục được triển khai tốt trên tất cả các lĩnh vực. 

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong năm 2016, Bộ TT&TT đã nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý nhà nước với tinh thần "Vì một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”

Tổng doanh thu phát sinh toàn ngành năm 2016 ước đạt 1.337.857 tỷ đồng (ước tốc độ tăng trưởng đạt 9,36% so với năm 2015, cao hơn so với mục tiêu tăng GDP cả nước năm 2016 là 6,7%). Tổng nộp ngân sách nhà nước toàn ngành ước đạt 145.915 tỷ đồng (ước đạt 109,06% so với kế hoạch năm) và đóng góp khoảng 14,38% vào tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2016.

Công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng thời tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch để hoạt động TTTT phát triển trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Luật Báo chí đã được Quốc hội thông qua; một số văn bản hướng dẫn Luật An toàn thông tin mạng và Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới được ban hành; Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tiếp tục được hoàn thiện. Bộ đã xây dựng, tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 19 đề án. Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ động ban hành 32 thông tư, thông tư liên tịch và nhiều văn bản quản lý, cơ chế, chính sách nhằm góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy lĩnh vực TTTT phát triển trong quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Công tác theo dõi, định hướng, chỉ đạo thông tin, tuyên truyền kịp thời, hiệu quả. Các cơ quan thông tấn, báo chí, thông tin cơ sở đã đưa tin chính xác, toàn diện và kịp thời về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, những vấn đề dư luận quan tâm; thông tin toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các sự kiện chính trị lớn của thế giới và trong nước; công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo. Các hoạt động thông tin đối ngoại đã chuyển tải ra thế giới thông tin sinh động, toàn diện về đất nước, con người Việt Nam và thông tin nhiều mặt về ASEAN cho người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc cung cấp thông tin sai sự thật và các luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá Nhà nước. Rà soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí, viễn thông và thông tin điện tử. 

Hoạt động xuất bản, in và phát hành góp phần tích cực vào công tác thông tin, tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người dân; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực để tăng cường quảng bá, phổ biến và mở rộng thị trường xuất bản phẩm của Việt Nam. Bộ đã triển khai cung cấp dịch vụ hành chính công mức độ 3 trong lĩnh vực xuất bản để phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Về lĩnh vực bưu chính, hoạt động khai thác mạng lưới, vận chuyển, chuyển phát ổn định. Bộ tập trung triển khai điều chỉnh giá cước trong hoạt động phát hành báo chí công ích; chỉ đạo thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; rà soát, tịch thu các bưu phẩm nước ngoài vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Bưu chính của Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng với bưu chính thế giới, trong đó nổi bật là lần thứ 4 trúng cử Hội đồng Điều hành UPU nhiệm kỳ 2017-2020 và lần thứ 2 học sinh Việt Nam đạt giải Nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ngày Tem Việt Nam (27/8).

Trong lĩnh vực viễn thông, tiếp tục tập trung phát triển thị trường viễn thông bền vững, cạnh tranh lành mạnh, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người dân. Thực hiện tốt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020; triển khai Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020; cung cấp dịch vụ viễn thông 4G, ban hành kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định; thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ đã tập trung thực hiện việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối của các doanh nghiệp viễn thông nhằm hạn chế triệt để tình trạng SIM rác, tin nhắn rác. Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước và phục vụ công tác nhân đạo, phòng, chống lụt, bão được vận hành an toàn, hiệu quả.

Thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020, đã hoàn thành triển khai giai đoạn 1 tại 05 thành phố trực thuộc Trung ương cùng với việc hoàn thành hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số cho các hộ nghèo và đang tích cực triển khai giai đoạn 2 của Đề án. 

Đối với lĩnh vực CNTT, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các đề án lớn, phát triển công nghiệp, ứng dụng CNTT, đảm bảo an toàn thông tin, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước. Tập trung triển khai công tác Tổng kết 10 năm thực hiện Luật CNTT, Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT giai đoạn 2020, tầm nhìn 2025 và thí điểm thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước. Xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 và hạ tầng khung chính phủ điện tử giai đoạn I; triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng Bộ TTTT điện tử giai đoạn 2016-2020. Các Công viên công nghệ phần mềm ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được thành lập. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn thông tin, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin được tập trung thực hiện. Tăng cường triển khai phổ biến và tập huấn Luật An toàn thông tin mạng, phát triển nguồn nhân lực và tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong công tác đảm bảo an toàn thông tin.

Hoạt động hợp tác quốc tế tiếp tục được chú trọng. Đã ký kết các biên bản, kế hoạch hợp tác với các Bộ chức năng của Liên bang Nga, Lào, Campuchia, Mozambique, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran...; tổ chức thành công Diễn đàn cấp cao CNTT-TT 2016 và các cuộc diễn tập ứng cứu sự cố an ninh mạng, đảm bảo an toàn thông tin với các nước trong khu vực. Các hoạt động triển lãm, phối hợp tần số với các nước được triển khai toàn diện, hiệu quả; tổ chức tham dự nhiều hội nghị, diễn đàn lớn của thế giới và làm việc với nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của quốc tế.

Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trong lĩnh vực báo chí, viễn thông. Việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư được đảm bảo đúng tiến độ. Tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các đơn vị, xây dựng kế hoạch, triển khai tinh giản biên chế giai đoạn 2016-2021 và thực hiện kế hoạch phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2016-2020.

Bộ đã tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm Ngày Truyền thống ngành TTTT Việt Nam (28/8) lần đầu tiên sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành trong các công tác trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri, xây dựng các đề án, báo cáo. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng, tham mưu thuộc Bộ với các Sở TTTT được quan tâm. Sở TTTT các tỉnh, thành phố luôn chủ động trong công tác tham mưu cho địa phương và triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TTTT. 

Trong công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục tập trung chỉ đạo hoạt động và kiện toàn mô hình tổ chức của các doanh nghiệp trực thuộc đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp hợp tác với các đơn vị ngoài Ngành. Các đơn vị, doanh nghiệp ngành TTTT tiếp tục có những đóng góp quan trọng về các mặt chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế - xã hội của cả nước. Viễn thông, CNTT tiếp tục là lĩnh vực có các doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất của cả nước và đóng góp không nhỏ vào tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương những cố gắng và kết quả đã đạt được của toàn ngành TT&TT trong năm qua. Năm 2016, công tác quản lý nhà nước của ngành TT&TT đã được triển khai tốt trên tất cả các mặt, tỉ trọng đóng góp vào ngân sách lớn, tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò của ngành TT&TT.  

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng điểm lại một số kết quả đã đạt được trên 5 lĩnh vực quản lý của ngành TT&TT: công tác truyền thông, báo chí; lĩnh vực bưu chính; lĩnh vực viễn thông; công tác ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo an ninh thông tin;   

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng chỉ ra những mặt hạn chế trong lĩnh vực quản lý của Bộ: Nhiều cá nhân và cơ quan báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp; Việc triển khai 4G còn chậm, vì vậy các doanh nghiệp viễn thông cần hết sức chú ý, cần cố gắng để bứt phá và vượt lên mạnh mẽ hơn.

Đối với việc xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ phải quyết tâm thể hiện là vai trò tiên phong, đi đầu trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, tăng cường giám sát để có những bước tiến cụ thể, xứng đáng với truyền thống của Ngành.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Truyền thống tiên phong của ngành Bưu điện, bây giờ là ngành thông tin và truyền thông phải được phát huy mạnh mẽ hơn nữa để xứng đáng là ngành luôn đi đầu đổi mới và thực chất.

Cũng tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 6 tập thể thuộc Bộ TTTT: Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử; Cục Bưu điện Trung ương, Vụ Kế hoạch Tài chính, Thanh tra Bộ, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Nhà xuất bản TTTT./.

Châu Ngọc 


Tổng Công Ty Hạ Tầng Mạng

+84-4 37877777 - vnptnet@vnpt.vn

© Copyright 2015, VNPT-NET

Số 30, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Giấy phép số: 1300/GP-TTĐT, ngày 12/4/2016 do Sở thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp

Tổng Công Ty Hạ Tầng Mạng

Điện thoại: +84-24 37877777 - Fax: +84-24 37876600 - vnptnet@vnpt.vn