Thị trường viễn thông sẽ xáo trộn lớn khi triển khai chuyển mạng giữ số? (Phần 2)
Ngày: 19/09/2017 Lượt xem:5153
(XHTT) - Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, các nhà mạng sẽ phải triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số di động (Mobile Number Portibility - MNP) từ ngày 31/12/2017. Liệu việc cung cấp dịch vụ này có gây ra sự xáo trộn lớn với thị trường viễn thông trong nước?
Các mạng lớn đã sẵn sàng
Cho tới thời điểm hiện tại, có lẽ chỉ có ba nhà mạng lớn là VinaPhone,Viettel và MobiFone sẽ cung cấp dịch vụ này cho khách hàng. Hai nhà mạng nhỏ là Vietnamobile và Gmobile không thấy đề cập đến. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi hiện các mạng nhỏ này không còn ưu thế cạnh tranh về giá cước dịch vụ nên khó có thể cạnh tranh khi triển khai MNP.
Trong buổi họp Giao ban Quản lý nhà nước tháng 7,8 của Bộ TT&TT diễn ra mới đây, VNPT - đơn vị chủ quản mạng VinaPhone cho biết tới thời điểm hiện tại, hệ thống cổng chuyển mạng MNP của VNPT đã được xây dựng và đang trong quá trình kết nối với Hệ thống xử lý chuyển mạng trung tâm của Bộ TT&TT để thử nghiệm. Hệ thống báo hiệu cho MNP đang được triển khai dự kiến sẽ hoàn thành lắp đặt ngay trong tháng 10/2017.
Cùng với việc xây dựng công chuyển mạng với năng lực xử lý cao, VNPT đồng thời cũng bắt tay vào xây dựng các quy trình, quy định cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng muốn sử dụng dịch vụ này. Ví dụ như tiếp nhận và thực hiện thủ tục chuyển mạng nhanh chóng, mức phí chuyển mạng hợp lý, …Quy trình, hệ thống tính cước cũng đã được điều chỉnh, bổ sung để hỗ trợ quá trình chuyển mạng. Với tiến độ này, VNPT sẽ sẵn sàng cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số cho khách hàng theo đúng lộ trình Bộ TT&TT đề ra.
Mạng Viettel cho biết các tính năng cơ bản đã được test thử thành công và sẽ tiến hành test liên mạng với VinaPhone, MobiFone vào cuối tháng 9 này. Đại diện MobiFone cũng cho biết nhà mạng này đã hoàn thành bài test với Cục viễn thông và đang bám theo tiến độ triển khai chung của đề án chuyển mạng giữ số.
Liệu có gây sự xáo trộn lớn?
Theo kinh nghiệm triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới, tỷ lệ thuê bao chuyển mạng ở một số nước cao, một số nước thấp song đại đa số rơi vào khoảng từ 2-5% tổng số thuê bao di động cả nước. Với đặc điểm của thị trường viễn thông Việt Nam, nhiều khả năng tỷ lệ thuê bao chuyển mạng cũng chỉ nằm trong khoảng này, không gây ra sự xáo trộn lớn.
Có thể vào thời điểm đầu mới cung cấp dịch vụ, sẽ có nhiều người muốn thực hiện chuyển đổi. Tuy nhiên, thực tế là tại Việt Nam việc mua sim mới khá dễ dàng khiến nhiều người sử dụng đồng thời 2-3 sim của các nhà mạng khác nhau. Với đối tượng này, nhu cầu sử dụng MNP gần như là không có.
Thêm vào đó, do là nước triển khai sau nên các nhà mạng hiện đã bắt đầu triển khai nhiều biện pháp để tăng cường giữ chân khách hàng. Nổi bật như VNPT với việc ra mắt gói cước tích hợp (di động, truyền hình,internet cáp quang) Gia đình với giá hấp dẫn, cho phép gọi điện thoại miễn phí giữa nhiều thành viên trong nhóm với nhau. Trong quý 4 tới đây, nhà mạng này còn cho ra mắt thẻ tích điểm - thanh toán đa năng Vpoint, cho phép người dùng tích điểm và sử dụng điểm ưu đãi tại hệ thống cửa hàng của nhiều thương hiệu, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, đây cũng sẽ là thách thức lớn với các nhà mạng, đặc biệt là trong việc giữ chân khách hàng. Nếu để khách hàng chuyển sang mạng khác, nhà mạng sẽ khó có cơ hội kéo khách hàng trở lại bởi phải sau một khoảng thời gian nhất định sử dụng dịch vụ của mạng mới (thường các nước áp dụng 90 ngày) thì thuê bao mới được thực hiện việc chuyển mạng lần nữa. Và với khoảng thời gian này, thường thì thuê bao lại bắt đầu quen với những điều làm họ “khó chịu” và ngại chuyển đổi.
Có thể sẽ không nhiều thuê bao cần sử dụng dịch vụ MNP, tuy nhiên việc triển khai dịch vụ này sẽ khiến thị trường viễn thông Việt Nam tiếp tục phát triển theo chiều sâu, thúc đẩy các nhà mạng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa ra những dịch vụ, tiện ích ngày càng có lợi hơn với khách hàng.
Nguồn: xahoithongtin