Nhớ về người Tổng Cục trưởng đầu tiên

Ngày: 14/08/2018 Lượt xem:5657

Mỗi lần nhắc đến Tổng Cục trưởng Tổng Cục Bưu điện đầu tiên Trần Quang Bình, nhiều vị cao niên vẫn còn nhớ như in hình ảnh một cán bộ mẫn cán, hằng đêm vẫn chong đèn đến khuya tại phòng làm việc. Những người may mắn được làm việc cạnh Tổng Cục trưởng thì không khỏi bùi ngùi khi nhắc lại những kỷ niệm đẹp về cuộc sống đời thường và tác phong làm việc dung dị nhưng hiệu quả, cẩn thận nhưng nhanh chóng và kịp thời của người lãnh đạo đầu tiên của Ngành. Tận tụy với công việc, chu đáo với đồng nghiệp, dân chủ, chí tình, chí lý, đó là phẩm chất đáng quý nhất trong cốt cách và phương pháp làm việc của Tổng Cục trưởng Trần Quang Bình.

Lúc còn sống, ông Lê Quang Huy, người được gần gũi và trực tiếp làm việc với Tổng Cục trưởng trong nhiều năm (từ 1954 cho đến lúc ông nghỉ hưu, năm 1978), nhớ lại: “Tổng Cục trưởng Trần Quang Bình quyết bất kỳ việc gì đều hỏi ý kiến của anh em, đưa ra bàn bạc, thảo luận dân chủ với những người làm việc với mình. Câu hỏi “tôi giải quyết vấn đề này được không?”, “vấn đề này phải giải quyết như thế nào”? luôn được Tổng cục trưởng Trần Quang Bình đặt ra cho anh em, đồng nghiệp. Còn anh em khi có việc gặp Tổng Cục trưởng để giải quyết công việc, dù được việc theo ý mình hay không đều rất thoải mái. Có thể người vừa lòng, người không vừa lòng, nhưng mọi người đều thấy như thế là chí tình, chí lý”.
 
Tổng Cục trưởng Trần Quang Bình (thứ hai bên trái) Giám đốc Nha Bưu điện Vô tuyễn điện Việt Nam và thư ký Công đoàn Hoàng Bắc (thứ nhất bên trái) cùng các đồng chí cán bộ Văn phòng Nha Bưu điện, tại Gành Quýt - Tuyên Quang tháng 6/1951.

Sinh ra ở đất Tổ (quê tại xã Nang Xa, Hạ Hòa, Phú Thọ), được tôi luyện qua những tháng năm hoạt động bí mật và cả nhà tù của đế quốc (Tổng Cục trưởng Trần Quang Bình từng trải qua các nhà tù của đế quốc như nhà tù Hoả Lò (Hà Nội), Hoà Bình, Sơn La với tên gọi Lê Văn Dĩ, sau khi ra tù mới đổi tên thành Trần Quang Bình, nên con người Tổng Cục trưởng Trần Quang Bình luôn luôn bộc lộ một sự vững vàng, kiên định trước mọi thử thách.

 Tổng Cục trưởng Trần Quang Bình (người đứng đầu hàng thứ 2 bên phải) tại lễ bàn giao nguyên tắc tổng đài điện thoại tự động 3000 số giữa hai Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hà Nội (1956).

Vào những năm xây dựng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, do đặc thù tình hình nên một trong những quan điểm được Tổng Cục trưởng Trần Quang Bình chú trọng đó là: Bưu chính là gốc. Đây không phải tư tưởng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” mà do lúc đó nhiệm vụ của bưu chính hết sức nặng nề: Đảm bảo thư tín, công văn, giấy tờ, báo chí được thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Những công văn, giấy tờ, thư báo đó là những mệnh lệnh gấp gáp của cấp trên, của Trung ương Đảng, Chính phủ chỉ đạo trực tiếp các địa phương thi hành ngay. 

 
Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện Trần Quang Bình đọc báo cáo tại Đại hội thi đua quyết tâm đảm bảo thông tin chống Mỹ cứu nước năm 1966.

Ông Lê Quang Huy nhớ lại: “Thời đó điện thoại còn rất ít. Điện thoại chỉ phục vụ những công việc bình thường, thư báo mới là mệnh lệnh chỉ đạo thực thi những công việc quan trọng. Ngày đó báo chí có vai trò rất lớn. Những bài xã luận trên báo Nhân dân, Quân đội nhân dân được coi là những công việc của Trung ương chỉ đạo các địa phương phải làm trong ngày. Vì vậy mà báo chí phải phát ngay trong ngày. Để đảm bảo thời gian này, những nhân viên bưu tá là người gánh trọng trách lớn nhất. Báo về đến địa phương nào, dù giờ nào trong ngày, có nơi như vào đến vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình đã quá nửa đêm, mà Bí thư tỉnh ủy, huyện ủy, thị ủy, vẫn phải ngồi chờ ở trụ sở làm việc để nhận báo. Để đảm bảo giao thông liên lạc được thông suốt như vậy, Tổng cục trưởng cho lập hai số điện thoại nóng thường trực 24/24 giờ. Bưu có số 2675, còn Điện có số 3576. Hai số điện thoại này phải ghi lại những diễn biến trên đường vận chuyển thư báo, điện báo và tình hình trong ngày của các địa phương. Mỗi buổi sáng, đồng chí Tổng Cục trưởng đều triệu tập các Cục trưởng, Vụ trưởng nghe báo cáo công việc ngày qua như thư báo đến đâu, như thế nào, có đoạn đường nào bị địch đánh phá mà không đi được, phải đi đường tránh nào, vận chuyển bằng đường sắt như thế nào, có đoạn đường sắt nào bị bom phá hoại hay không, và cách giải quyết như thế nào... Tất cả phải báo cáo, phải trình bày cách giải quyết. Bất kỳ trường hợp nào, lý do nào thì thư báo cũng phải về đến các địa phương, đến các địa chỉ trong ngày. Vì nhiệm vụ to lớn, nặng nề như vậy của thời đó, nên Tổng cục trưởng Trần Quang Bình luôn luôn ưu tiên các hoạt động bưu chính”.
Theo thống kê, thời kỳ này trung bình mỗi người Việt Nam nhận được 5 lá thư/năm. Đây là con số khiêm tốn so với người Mỹ (hơn 500 lá thư/năm), với các nước XHCN anh em (ước tính vài chục lá thư/năm), nhưng việc đảm bảo thư tín cũng là nhiệm vụ cực kỳ nặng nề, vì ở nước ta giai đoạn đó chiến tranh còn leo thang hết sức ác liệt.
Trên cương vị là Tổng Cục trưởng, bận trăm công ngàn việc, nhưng Tổng Cục trưởng vẫn thường xuyên quan tâm đến đời sống của anh em trong cơ quan. Ngày thường, qua lại hỏi thăm về công việc, về cuộc sống, về gia đình, vợ con của anh em, động viên anh em trong những lúc khó khăn. Điều này không chỉ có thời bình, mà ngay trong thời chiến, thậm chí khi còn bị tù đày ở nhà tù Sơn La, nhiều chiến sĩ cách mạng đã được ông chăm sóc, giúp đỡ, tiêm thuốc cho mỗi lúc ốm đau.
Ông Hoàng Châu Kỳ, người đã được cố Tổng Cục trưởng Trần Quang Bình tiêm thuốc nhiều lần tại vùng sơ tán kể lại: “Tổng Cục trưởng Trần Quang Bình  Bình tiêm cho tôi nhẹ lắm, không có cảm giác đau đớn tí nào. Vì ông vừa tiêm, vừa xoa xoa chỗ kim tiêm, lại vừa trò chuyện để người bị tiêm cảm thấy không sợ mũi tiêm. Không chỉ có tôi được may mắn như vậy, mà anh em thời đó khi ốm đau cũng được ông săn sóc kỹ lưỡng như một người y tá thực sự”.
Khi còn đương chức, Tổng Cục trưởng luôn chú ý đến các hoạt động văn hóa, thể thao của Tổng Cục Bưu điện. Tổng Cục trưởng luôn nhắc nhở anh em, phải chú ý đến hoạt động quần chúng, vì như vậy mới “tiếp lửa” cho mình trong công tác. Hai trợ lý được Tổng Cục trưởng giao nhiệm vụ phải về các địa phương “săn” các cầu thủ bóng đá, thành lập đội bóng đá Bưu điện. Chính đội này sau đó đã đoạt chức vô địch. Hay đội bóng chuyền, bóng rổ của Bưu điện rất mạnh và nhiều lần đoạt các giải cao trong nước.
Chị Trần Hồng Phương, người con duy nhất của Tổng Cục trưởng Trần Quang Bình với bà Bùi Thị Tình (vợ Tổng Cục trưởng mất năm 2003). Chị Phương trước đây là cán bộ của Trung tâm điều hành thông tin, Bưu điện Hà Nội (chị Phương đã nghỉ chế độ BHXH tháng 2/2006). Chị Phương kể: “Ba tôi thường hay về nhà trễ. Ba đi làm suốt tuần, kể cả chủ nhật. Mỗi sáng, mẹ lại gói bữa trưa cho ba, hôm thì cơm nắm, hôm lại bánh mì, vài ba quả chuối. Ba ăn trưa tại văn phòng. Tính cẩn thận, sạch sẽ đến nỗi, mỗi khi ăn xong, lại lấy giấy gói vỏ chuối, ni lông, giấy đã gói thức ăn, mang về nhà vứt vào sọt rác. Có nhiều chị phục vụ cho ba tôi cứ hỏi tôi, tại sao thủ trưởng không ăn trưa vậy. Thực tình họ không biết được cuộc sống quá giản dị và không muốn làm phiền bất kỳ ai của ba. Mẹ thương ba làm nhiều, hại sức khỏe, cứ phải nhắc đi nhắc lại trước lúc đi làm rằng, phải có nghỉ ngơi, thư giãn trong quá trình làm việc. Ba cứ gật gù, rồi dắt xe đi. Nhưng hôm nào cũng về muộn. Chủ nhật, nhiều người vui vầy bên gia đình, nhưng ba vẫn phải sang văn phòng. Vì ở đó, công việc vẫn chờ ba giải quyết”.
Mối tình của ba mẹ chị, được nhiều người kể cho chị nghe cũng thật đáng cảm động. Ba chị là người hoạt động cách mạng, ở Việt Bắc đã lâu. Mẹ chị là giáo viên, sau khi giác ngộ cách mạng, lên chiến khu tiếp tục hoạt động trong ngành giáo dục, Hội Liên hiệp phụ nữ. Mẹ chị là một trong những người sáng lập ra Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, từng được đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào. Rồi số phận cho họ gặp nhau, nên vợ nên chồng trong thời gian còn kháng chiến.
Giờ ngồi hồi tưởng lại những công việc của cố Tổng Cục trưởng Trần Quốc Bình đã làm, những ứng xử, những cốt cách của một người con cách mạng từng được phục vụ bên cạnh Bác Hồ, những người đồng nghiệp hôm nay, hay chính người con gái duy nhất của ông, đều không nén nổi xúc động. Tổng Cục trưởng Trần Quốc Bình đã đi xa 38 năm (mất ngày 5/11/1980), nhưng hình ảnh của Tổng Cục trưởng Trần Quốc Bình vẫn không phai mờ trong tâm trí của mọi người. Tiếng thơm còn mãi với gia đình Tổng Cục trưởng Trần Quốc Bình và cũng là niềm tự hào chung của những người làm Bưu điện./.
BBT

Tổng Công Ty Hạ Tầng Mạng

+84-4 37877777 - vnptnet@vnpt.vn

© Copyright 2015, VNPT-NET

Số 30, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Giấy phép số: 1300/GP-TTĐT, ngày 12/4/2016 do Sở thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp

Tổng Công Ty Hạ Tầng Mạng

Điện thoại: +84-24 37877777 - Fax: +84-24 37876600 - vnptnet@vnpt.vn