Kỷ niệm 68 năm Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc
Ngày: 10/06/2016 Lượt xem:4370
Sức lan tỏa còn mãi với thời gian
Kể từ khi người viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, ngày 11-6-1948 cho đến khi đi vào cõi bất tử, Người đã có hơn 40 bài nói, bài viết đề cập đến thi đua yêu nước.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước phát triển, lan rộng, trở thành các cao trào cách mạng của nhân dân, góp phần đắc lực vào thắng lợi của cách mạng nước ta.
Ngày 01-5-1952, tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, Người nhấn mạnh “Thi đua là yêu nước: Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực… Yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất…”
Báo Nhân Dân, số 15, ngày 05-7-1951, đã đăng bài viết của Người với bút danh C.B: “Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta”. Mở đầu bài báo, Người viết: “Thi đua ái quốc… Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do”.
Trong thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc, ngày 01-8-1951, Người ân cần chỉ bảo: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua làm cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi…”. “Thi đua không nên thiên về một phía. Phải điều hòa 3 nhiệm vụ với nhau: gia tăng sản xuất, công việc hàng ngày và học tập (chính trị, văn hóa, tình hình trong nước và thế giới).”
Trong lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công đăng trên Báo Sự Thật, số 116, ngày 01-8-1949, Người chỉ rõ: “Trong các việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính…”
Ngày 11-6-1948, Người ra lời kêu gọi thi đua ái quốc”, trong đó có đoạn: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau:
Làm cho mau,
Làm cho tốt,
Làm cho nhiều…
Cách làm là: dựa vào:
Lực lương của dân,
Tinh thần của dân, để gây:
Hạnh phúc cho dân”.
Thi đua trở thành một phong trào rộng khắp, liên tục trên tất cả các lĩnh vực. Trong thơ chúc Tết năm Kỷ Sửu (1949), Người viết:
“Người người thi đua
Ngành ngành thi đua
Ngày ngày thi đua
Ta nhất định thắng,
Địch nhất định thua”
Rõ ràng, bài thơ đó có ý nghĩa bao quát tính toàn diện, tính liên tục của thi đua.
Trong Lời kêu gọi thi đua, ngày 01-8-1949, Người một lần nữa nhấn mạnh tính liên tục của thi đua” “Tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua là phải trường kỳ”.
Thi đua phải thiết thực, gắn với công việc hàng ngày của mỗi người, đem lại lợi ích cho cá nhân, cho cộng đồng và cho đất nước. Cũng trên Lời kêu gọi nói trên, Người viết: “Tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”.
Người còn căn dặn: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm… Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”.
Người yêu cầu mọi phong trào thi đua yêu nước đều phải có sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, nêu gương, khen thưởng. Những hình thức khen thưởng đều có tác dụng động viên, khích lệ những người tham gia phong trào. Trong Thư gửi thanh niên, ngày 01-8-1951, Người viết: “Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”.
Một quan điểm hết sức quan trọng của Người là cán bộ, đảng viên phải luôn luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (1927), Người đã nêu 23 điều về “Tư cách một người cách mệnh”, trong đó có điều: “Nói thì phải làm”. Có lần, Người còn nhấn mạnh:
“Cán bộ xung trước,
Làng nước theo sau.
Việc khó đến đâu,
Cũng làm được hết”.
Trong bài phát biểu trước các chiến sĩ thi đua, ngày 03-5-1952, Người đã dạy: “Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”. Người cho rằng, một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.
Trong Lời chào mừng Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ hai, Người căn dặn các anh hùng, chiến sĩ thi đua và mọi người” “Anh hùng, chiến sĩ thi đua đã là người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng…Các anh hùng và chiến sĩ thi đua cần phải luôn luôn dìu dắt, giúp đỡ những người chung quanh mình cùng tiến bộ. Mọi người đều phải cố gắng tiến kịp các anh hùng, chiến sĩ; anh hùng, chiến sĩ thì cần tiến mãi không ngừng”.
68 năm qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Người, phong trào thi đua ái quốc được tiếp thêm sức mạnh, tiếp tục phát triển, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của đất nước, để lại những dấu ấn sâu đậm, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng của dân tộc.
Lớn lên cùng đất nước, quá trình xây dựng và phát triển ngành Bưu Điện tiền thân của VNPT ngày nay là chặng đường đầy gian khổ, hy sinh và rất vẻ vang của các thế hệ CBCNV. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”, với đội ngũ trung kiên, lớp lớp CBCNV của Ngành cùng với các phong trào thi đua yêu nước đã làm nên biết bao kỳ tích anh hùng, quyết đem xương máu để “Nối mạch giao thông”, “Mở đường quyết thắng”, đảm bảo thông tin liên lạc “Nhanh chóng, chính xác, an toàn, tiện lợi” phục vụ cho sự nghiệp xây dựng miền Bắc XHCN, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần hy sinh cao cả xả thân cứu nước, CBCNV ngành Bưu điện đã cùng bộ đội và nhân dân ta tham gia chiến đấu, đưa đón cán bộ, vận chuyển vũ khí, thuốc men, đạn dược và tích cực chi viện cho các chiến trường B,C,K. Dẫu bị thương vong, người trước ngã xuống, người sau tiếp tục đứng lên để truyền đưa các Chỉ thị, Nghị quyết, mệnh lệnh chiến đấu từ Trung ương đến các trận địa, thôn xóm, bản làng; đưa đón cán bộ, chiến sĩ cách mạng ra chiến trường cũng như về địa điểm tập kết an toàn, đúng thời gian quy định. Mạng lưới giao bưu, thông tin liên tỉnh, nội tỉnh, tuyến giao liên đường thuỷ, đường bộ….được xây dựng đáp ứng kịp thời yêu cầu thông tin liên lạc của đất nước.
Gian khổ ác liệt đã tôi luyện thêm ý chí trung thành, dũng cảm, tận tuỵ của CBCNV ngành Bưu điện. Với tinh thần tự lực tự cường, dũng cảm, sáng tạo, ngành Bưu điện đã trưởng thành từ không đến có, từ yếu đến mạnh, từ thô sơ đến hiện đại và lập nên nhiều chiến công oanh liệt. Gần 2/3 thế kỷ phục vụ kháng chiến, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, CBCNV ngành đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cách mạng giao phó, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của Bác Hồ kính yêu và nhân dân các dân tộc Việt Nam.
Qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, CBCNV của ngành đã anh dũng lập nhiều chiến công góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với khẩu hiệu: “đứt dây như đứt ruột, gẫy cột như gẫy xương”, “Cùng nhau giữ trọn lời nguyền, thể đem xương máu nối liền đường dây”. Đó cũng là lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Lịch sử đã ghi những dấu son trước những chiến công của CBCNV ngành Bưu điện trong việc nối liền mạch máu thông tin liên lạc, phục vụ cho các trận đánh, các chiến dịch. Đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, trên từng tấc đất của Tổ quốc Việt Nam, ở nơi đâu cũng in đậm dấu chân, thắm đậm mồ hôi và cả máu xương của CBCNV ngành Bưu điện. Đã có gần 1 vạn CBCNV anh dũng hy sinh quên mình vì độc lập tự do của dân tộc, được Đảng, Nhà nước ghi công. Có 50 đơn vị vinh dự được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hựng Lực lượng vũ trang Nhân dân và trên 30.000 nguời được tặng thưởng Huân chương, Huy chương các loại. Thành tích của ngành đã góp phần xứng đáng cùng toàn Đảng, toàn quân dân cả nước lập nên những chiến công vang dội, giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới - hội nhập, CBCNV Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thành công chiến lược tăng tốc, phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông của đất nước từ công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ bé, tiến một bước dài lên chính quy, hiện đại, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và nhiều nước trên thế giới; góp phần tạo dựng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng để đất nước đi vào thời kỳ CNH - HĐH. Càng trong điều kiện như vậy càng đòi hỏi sự nhận thức đúng đắn về vai trò của thi đua. Thấm nhuần tư tưởng và lời Bác dạy về thi đua, bắt đầu từ những việc làm bé nhỏ, bình thường hàng ngày mang lại lợi ích cho dân, cho nước, chính là hành động thiết thực và cụ thể của mỗi người lao động cùng góp phần vào sự nghiệp đổi mới, phát triển. Phong trào lao động sáng tạo phát triển mạnh mẽ, bình quân hàng năm có hàng trăm đề tài khoa học, hàng nghìn sáng kiến tiết kiệm chi phí nhiều tỷ đồng và góp phần ngày càng cải thiện đời sống CBCNV. Đến nay có 15 đơn vị được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, trong đó có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt, Tập đoàn đang nỗ lực thực hiện tái cấu trúc, đổi mới toàn diện tổ chức quản lý, CBCNV của Tập đoàn nói chung, của Tổng Công ty Hạ tầng mạng VNPT Net nói riêng luôn phát huy truyền thống “Trung thành – Dũng cảm – Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình”, thi đua vượt lên khó khăn đóng góp sức mình xây dựng Tập đoàn phát triển vững mạnh ./.
Minh Châu