Công đoàn Bưu điện Việt Nam: 69 năm truyền thống vẻ vang

Ngày: 26/08/2016 Lượt xem:4734

Trong những ngày này, cùng với nhân dân cả nước, đội ngũ lao động Tổng Công ty Hạ tầng mạng hân hoan chào mừng cách mạng tháng 8, quốc khánh 2.9. Với riêng những ai đã làm việc trong ngành Bưu điện, đó còn là dịp để đội ngũ lao động ôn lại truyền thống vẻ vang 71 năm của Ngành và 69 năm thành lập Công đoàn Bưu điện Việt Nam, cùng gắn bó tin tưởng, vững vàng trong thời kỳ đổi mới, tái cấu trúc VNPT theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cách đây tròn 71 năm, ngày15/8/1945, tại Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng ta đã quyết định thành lập “Ban Giao thông chuyên môn”, kể từ đó, ngày 15/8 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của ngành Bưu điện. Sinh ra trong cách mạnh, trưởng thành cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, ngành Bưu điện đã có bước phát triển vượt bậc, tiếp tục có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp “công nghiệp hóa,hiện đại hóa” đất nước.
Được thành lập ngày 30/8/1947, trải qua 69 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Bưu điện Việt Nam (nay là Công đoàn Thông tin Truyền thông) đã góp phần quan trọng trong xây dựng đội ngũ CBCNVC và xây dựng ngành Bưu điện (nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thôngViệt Nam) phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, làm rạng rỡ thêm truyền thống “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” trong 2/3 thế kỷ qua.

Lịch sử ngành Bưu Điện và Công đoàn Bưu điện Việt Nam gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Trải qua các cuộc chiến tranh giữ nước chống thực dân, đế quốc hàng vạn chiến sĩ giao bưu thông tin, những người con ưu tú của ngành Bưu Điện đã hy sinh và hàng vạn người con của Ngành trở về còn mang trên mình vết thương của chiến tranh, quyết tâm bảo vệ và giữ vững  huyết mạch thông tin liên lạc phục vụ cách mạng.Lịch sử ngành Bưu Điệnvà Công đoàn Bưu điện Việt Nam gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong hòa bình, dựng xây đất nước, bằng mồ hôi, sức lực, trí tuệ của đội ngũ, Bưu Điện Việt Nam biết phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, vượt qua thế bao vây cấm vận của phương Tây, đi tắt đón đầu về công nghệ, thực hiện thành công chiến lược tăng tốc phát triển, hiện đại hóa mạng lưới, đa dạng hóa dịch vụ, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, tự tin và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ 17 cơ sở với 1.460 đoàn viên từ ngày đầu thành lập, Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã trải qua những giai đoạn phát triển thăng trầm cùng với ngành Bưu Điện, đến cuối năm 2013 (đánh dấu bước chuyển đổi lớn đó là chia tách bưu chính, viễn thông), Công đoàn Bưu điện Việt Nam thực sự lớn mạnh với 113 công đoàn Viễn thông các tỉnh - thành phố, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, công đoàn các Công ty, Cơ quan, Học viện, Trường học, Bệnh viện, Trung tâm…với hơn 1000 công đoàn cơ sở, gần 80.000 đoàn viên và người lao động, trải rộng trên khắp cả nước. Là một trong 20 công đoàn Ngành Trung ương, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã  có những đóng góp tích cực cho phong trào CNVC và hoạt động Công đoàn cả nước trong nhiều năm qua.

Sau 8 nămthực hiện thắng lợi chiến lược tăng tốc của toàn ngành, cơ sở hạ tầng BCVT -CNTT đã được hiện đại hóa và phát triển rộng khắp, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Không dừng lại ở những thắng lợi ban đầu ấy, Công đoàn Bưu điện Việt Nam luôn đồng hành cùng với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa cơ sở hạ tầng Bưu chính Viễn thông Công nghệ thông tin với chiến lược hội nhập và phát triển. Các phong trào thi đua được Công đoàn Bưu điện tổ chức thường xuyên, liên tục, đều khắp tiêu biểu như phong trào: Sáng tạo VNPT; Nụ cười VNPT; “ đóng góp nhỏ - hiệu quả lớn; Chất lượng VNPT; Người VNPT sử dụng dịch vụ VNPT”; phong trào “ giỏi việc nước đảm việc nhà” phát huy truyền thống “ba đảm đang” trong nữ công nhân viên chức; phong trào đăng ký công trình, sản phẩm chào mừng các ngày lễ lớn của Ngành và của đất nước….Chỉ tính từ năm 1997 đến năm 2011 toàn Ngành đã có gần 17.000 sáng kiến cấp cơ sở, hơn 500 sáng kiến cấp Tập đoàn, 300 đề tài nghiên cứu khoa học, hơn5.500 sáng kiến đã được áp dụng vào thực tế làm lợi hàng trăm tỷ đồng.69 năm qua, với 14 kỳ Đại hội, Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã liên tục tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua, xây dựng phong trào công nhân viên chức phát triển lớn mạnh và ngày càng khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Bưu điện. Các phong trào, các cuộc vận động do Công đoàn Bưu điện Việt Nam tổ chức đã huy động sức mạnh của cán bộ, đoàn viên, CBCNVC, người lao động thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra. Trong số này có 6 giai đoạn thi đua điển hình, bao gồm:(1) Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954); (2) Thời kỳ xây dựng CNXH ở Miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà (1954 -1965); (3) Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, bảo vệ Miền Bắc, giải phóng Miền Nam, thống nhất nước nhà (1966 - 1975); (4) Thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1976 - 1986); (5) Thời kỳ đổi mới và tăng tốc độ phát triển ngành Bưu điện (1986 - 2000) và chuẩn bị đội ngũ cho Thế kỷ 21; và (6) Thời kỳ hội nhập và phát triển phát triển ngành Bưu điện và chuẩn bị đội ngũ cho Thế kỷ 21.

Những năm qua, Tập đoàn và Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã chi hàng trăm tỷ đồng tham gia các chương trình an sinh xã hội, vì người nghèo và các hoạt động nghĩa tình (nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, chắp cánh tài năng Việt, góp đá cho Trường Sa, tấm lưới nghĩa tình, thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp khó khăn cho CBCNV). Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ đối với hai huyện Sìn Hồ và Mường Tè thuộc tỉnh Lai Châu và thực hiện các chương trình đưa tin học về 60 huyện nghèo khác trong cả nước. Với phương châm “Chăm sóc cho đội ngũ hiện tại, chuẩn bị cho thế hệ tương lai, sống nghĩa tình với những người đi trước”, CNVC Tập đoàn đã thực hiện tốt truyền thống Nghĩa tình thông qua việc tự nguyện đóng góp từ thu nhập để tạo lập quỹ nhà ở, quỹ xã hội, quỹ tài năng để hỗ trợ cho các đối tượng chính sách.

Những kết quả và thành tích đạt được của ngành Bưu điện (mà VNPT làm nòng cốt) và của Công đoàn Bưu điệnViệt Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu và phần thưởng cao quý,như: Anh hùng Lao động (năm 2011), Huân chương Sao vàng (1995), Huân chương Hồ Chí Minh (2007)...

Do yêu cầu của đất nước trong giai đoạn phát triển mới, tháng 8.2007, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính, Viễn thông, của Tổngcục Bưu điện và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa – Thông tin, lịch sử ngành Bưu điện bước sang trang mới. Đối với VNPT, đó là quá trình chia tách bưu chính, viễn thông, chuyển giao quyền sở hữu tại Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam từ Tập đoàn về Bộ Thông tin và Truyền thông. Đặc biệt, ngày 16/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định 888/QĐ-TTg về đổi mới, tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014-2015.

Để đáp ứng nhiệm vụ tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hànhTrung ương Đảng khóa X và Kết luận số 79/NQ-TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị.Việc thống nhất các tổ chức công đoàn các đơn vị thuộc Ngành thành một tổ chức công đoàn thống nhất phù hợp  quy mô quản lý và tên gọi của Bộ chủ quản là một yêu cầu cấp thiết . Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và các doanh nghiệp trước đây thuộc Tập đoàn VNPT, trong điều kiện Bộ quản l‎ý đa ngành, đa lĩnh vực cùng với quá trình tái cơ cấu Tập đoàn VNPT và các doanh nghiệp khác thuộc Bộ, đòi hỏi cần có sự thống nhất về vai trò tập hợp quần chúng, công nhân viên chức và người lao động trong toàn ngành Thông tin và Truyền thông. Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn đã phê duyệt Đề án “Sắp xếp, kiện toàn và đổi tên Công đoàn BĐVN thành Công đoàn Thông tin Truyền thông Việt Nam, trong đó có Phương án thành lập Công đoàn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam”. Ngày 28/5/2015, Công đoàn Thông tin Truyền thông đã chính thức ra mắt.

 

Ban chấp hành Công đoàn Thông tin và Truyền thông tại lễ ra mắt

Công đoàn Thông tin Truyền thông Việt Nam bao gồm các tổ chức công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở thuộc Công đoàn Bưu điện Việt Nam; công đoàn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do Bộ Thông tin và Truyền thông trực tiếp quản lý, có hướng mở để tiến tới tiếp nhận thêm các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khác thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông. Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam là Công đoàn ngành Trung ương, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trực tiếp quản lý 32 công đoàn trực thuộc  với trên 82.264 đoàn viên, trong đó có 12 Công đoàn cấp trên cơ sở và 20 công đoàn cơ sở trực thuộc.

Tiếp bước và phát huy truyền thống 69 năm của Công đoàn Bưu điện Việt Nam, Công đoàn Thông tin và Truyền thông được hình thành, phù hợp với thực tiễn về tổ chức của Công đoàn ngành nghề hiện nay và việc đổi mới tổ chức quản lý của Bộ Thông tin & Truyền thông trong giai đoạn mới. Đảm bảo sự ổn định về tổ chức và hoạt động, đáp ứng được ý chí nguyện vọng của cán bộ CNVC, đoàn viên công đoàn trong Ngành đồng thời để có điều kiện để  thống nhất chỉ đạo, triển khai các phong trào công nhân viên chức và hoạt động Công đoàn toàn ngành, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, của từng đơn vị và toàn ngành góp phần đưa ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh, mạnh và bền vững./.

Minh Châu

Tổng Công Ty Hạ Tầng Mạng

+84-4 37877777 - vnptnet@vnpt.vn

© Copyright 2015, VNPT-NET

Số 30, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Giấy phép số: 1300/GP-TTĐT, ngày 12/4/2016 do Sở thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp

Tổng Công Ty Hạ Tầng Mạng

Điện thoại: +84-24 37877777 - Fax: +84-24 37876600 - vnptnet@vnpt.vn