Bài 3: Tác động của TPP nhìn từ chương Viễn thông
Ngày: 06/07/2016 Lượt xem:4506
Chương Viễn thông có điểm mới là lần đầu tiên trong số các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đã mở rộng, tăng cường sự cạnh tranh sang lĩnh vực dịch vụ viễn thông di động là lĩnh vực vẫn đang tồn tại nhiều tập quán cạnh tranh không lành mạnh ở nhiều nước...
Chương này cũng khuyến khích các giải pháp sáng tạo mang tính thị trường, thí điểm các công nghệ mới, cho phép các dịch vụ viễn thông được cung cấp một cách nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn và với chi phí rẻ hơn dựa trên các quy luật thị trường. Đặc biệt, chương này mở rộng các nguyên tắc cạnh tranh sang các dịch vụ di động, là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành viễn thông, đồng thời là điểm mấu chốt trong tiếp cận mạng internet và các dịch vụ liên quan cho con người trong thời gian tới.
Điều cam kết quan trọng đầu tiên trong chương Viễn thông là về nguyên tắc được tiếp cận một cách thỏa đáng mạng lưới viễn thông của các nhà cung cấp khác. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hiện có không được lạm dụng sự tiếp cận này như là một hình thức cản trở hữu hiệu sự cạnh tranh tiềm năng của đối thủ. Nguyên tắc này được quy định trong các điều khoản về:
1.Sự tiếp cận và sử dụng các dịch vụ viễn thông công cộng trên lãnh thổ hay xuyên biên giới của nước thành viên. Tuy nhiên, các nước thành viên được phép có những biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, bí mật và sự riêng tư của các thông tin của người sử dụng các mạng hay dịch vụ viễn thông công cộng, miễn là các biện pháp này không tùy tiện và bất công bằng hay là một hình thức để hạn chế thương mại dịch vụ.
2.Các nghĩa vụ liên quan đến nhà cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng. Theo đó các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng của một nước thành viên sẽ phải nối kết với, và cung cấp các lựa chọn kết nối một cách công khai cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng ở nước khác và với mức phí phải chăng.
Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng lớn của một nước không được đối xử phân biệt các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài so với các nhà cung cấp dịch vụ là công ty con, công ty liên kết hoặc không liên kết của mình trong cùng một hoàn cảnh, một số dịch vụ.
3.Các biện pháp bảo đảm cạnh tranh. Theo đó, các nước cam kết duy trì các biện pháp thích hợp để ngăn chặn một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng lớn của mình có những hành động phi cạnh tranh như bao cấp chéo, sử dụng thông tin thu thập được từ đối thủ để làm lợi bất chính, hay không cung cấp thông tin kỹ thuật và thương mại cần thiết về các thiết bị cơ bản cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài để họ có thể hoạt động được.
4.Việc bán lại dịch vụ viễn thông công cộng. Theo đó, nước thành viên không được cấm hoặc áp đặt những điều kiện bất hợp lý, bất bình đẳng, hoặc hạn chế việc bán lại bất cứ dịch vụ viễn thông công cộng nào của một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng lớn trong nước cho một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nước ngoài, với giá hợp lý.
5.Sự tiếp cận các cấu thành tách biệt của mạng viễn thông. Nước thành viên phải yêu cầu hãng cung cấp dịch vụ viễn thông lớn của mình cung cấp cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng nước ngoài sự tiếp cận các cấu thành của mạng lưới của mình trên cơ sở tách biệt.
6.Cung cấp và định giá dịch vụ mạch kết nối thuê bao. Các nước phải đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước cung cấp dịch vụ kết nối thuê bao thuộc dịch vụ viễn thông công cộng cho một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nước ngoài với giá phải chăng, không thiên vị.
Thiết lập các trung tâm thiết bị cho thuê cần cho việc kết nối hay tiếp cận các cấu thành tách biệt mạng viễn thông với các điều kiện và điều khoản hợp lý, không phân biệt đối xử, tại nước sở tại, bởi nhà cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng lớn của nước sở tại.
Tiếp cận cột viễn thông, đường cổng cáp, máng dây, và lộ giới. Nước sở tại phải bảo đảm nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn của mình cung cấp cho nhà dịch vụ viễn thông nước ngoài sự tiếp cận những yếu tố này với các điều kiện và điều khoản hợp lý, không phân biệt đối xử.
Tiếp cận hệ thống cáp viễn thông ngầm quốc tế. Nước sở tại phải bảo đảm nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của mình có kiểm soát các trạm tiếp đất của các đường cáp viễn thông quốc tế ngầm dưới biển cung cấp cho nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nước ngoài sự tiếp cận các trạm tiếp đất này theo các điều khoản tương ứng trong chương này.
7.Một cam kết quan trọng khác là về sự tiếp cận thỏa đáng của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài mà không bị phân biệt đối xử đến các nguồn lực do Chính phủ nước sở tại quản lý như tần số, băng thông, lộ giới, và số điện thoại ...
Một điểm mới trong chương Viễn thông là cam kết về sự linh hoạt trong sử dụng công nghệ. Theo đó, điều khoản này quy định các nhà cung cấp được tự ý lựa chọn công nghệ sử dụng để cung cấp dịch vụ của mình. Điều khoản này cũng có nghĩa là cho phép nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được tự do đưa ra các giải pháp mới, sáng tạo. Như vậy, điều khoản này sẽ ngăn các nước sở tại lấy tiêu chuẩn kỹ thuật làm công cụ để cản trở sự cạnh tranh của những nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài do họ có thế mạnh về công nghệ và đổi mới so với các đối thủ trong nước.
Để tăng cường môi trường cạnh tranh, nhất là trong lĩnh vực roaming di động quốc tế, chương Viễn thông quy định các nước phải tạo điều kiện cho việc sử dụng các kênh thay thế cho roaming (tức là ngăn nhà cung cấp dịch vụ ngăn cản dịch vụ thoại trên các dịch vụ internet, hay ngắt các dịch vụ wi-fi). Sự hợp tác song phương, đa phương giữa các bên nhằm đảm bảo cho các công ty viễn thông được hưởng các mức phí roaming thấp cũng được khuyến khích.
Nhằm đảm bảo không có mâu thuẫn quyền lợi, theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, chương Viễn thông quy định các cơ quan quản lý chức năng viễn thông của Chính phủ nước sở tại phải độc lập và không có quyền lợi liên quan đến bất cứ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nào trong nước. Cơ quan chức năng này cũng không được phép ra các quyết định hay đối xử một cách thiên vị, phân biệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ của mình.
Để đảm bảo tính minh bạch cho môi trường hoạt động của các hãng viễn thông, trong trường hợp nước sở tại yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải có giấy phép, nước này phải công bố công khai tất cả tiêu chuẩn, thủ tục, thời gian, các điều kiện và điều khoản liên quan đến xin giấy phép. Hãng nộp đơn xin phép, nếu có yêu cầu, sẽ nhận được trả lời thỏa đáng từ cơ quan cấp phép về các lý do cho việc bị từ chối cấp phép, những điều kiện cụ thể để được cấp phép, thu hồi hay từ chối gia hạn giấy phép...
Tương tự, để lấy ý kiến đóng góp cho một dự thảo quy chế nào đó, cơ quan chức năng của nước sở tại phải công khai dự thảo này, với lý do, mục đích, tạo cơ chế và điều kiện để có phản hồi công khai, và phải hồi đáp các phản hồi hợp lý và đáng kể...
Chương Viễn thông cũng có một điều khoản dành riêng cho xử lý các tranh chấp trong lĩnh vực viễn thông. Ví dụ, các hãng viễn thông trước tiên cần làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để giải quyết các tranh chấp liên quan đến các biện pháp của nước sở tại trong các điều khoản liên quan của chương này. Nếu cơ quan chức năng của nước sở từ chối có hành động giải quyết tranh chấp này thì họ sẽ phải trả lời bằng văn bản về lý do này khi được yêu cầu, trong thời gian hợp lý.
Các hãng viễn thông nước ngoài cũng có thể yêu cầu cơ quan chức năng nước sở tại xem xét giải quyết các tranh chấp giữa họ với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn trên lãnh thổ của mình về điều kiện và chi phí của dịch vụ kết nối.
Các hãng có quyền lợi bị ảnh hưởng bởi các quyết định của cơ quan chức năng có thể yêu cầu cơ quan chức năng này hay cơ quan chức năng thích hợp khác xem xét lại quyết định của mình và trả lời trong một thời gian hợp lý, nhưng sự xem xét này, nếu có, không nhất thiết được coi là bằng chứng cho sự vi phạm quy định của các quyết định của cơ quan chức năng.
8.Cuối cùng, chương Viễn thông đề cập đến việc thành lập Ủy ban Viễn thông, nhằm xem xét, giám sát việc thực thi chương này, và thảo luận các vấn đề cùng quan tâm.
Tóm lại, chương Viễn thông có điểm mới là lần đầu tiên trong số các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đã mở rộng, tăng cường sự cạnh tranh sang lĩnh vực dịch vụ viễn thông di động là lĩnh vực vẫn đang tồn tại nhiều tập quán cạnh tranh không lành mạnh ở nhiều nước, và trong lĩnh vực roaming điện thoại di động quốc tế nhằm làm giảm chi phí roaming không chỉ cho điện thoại mà còn cho các dịch vụ dữ liệu, từ đó làm giảm chi phí cho thương mại và du lịch của TPP.
NBH (VP TCT) Nguồn: Tổng hợp